Buổi chiều ngồi ngóng chuyến xe qua
Ở cõi tít mù nào đó, nhạc sĩ họ Trịnh chắc cũng bỏ qua cho kẻ hậu sinh này khi hát: 'Xe vẫn xe qua cho đời biến động. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến xe qua...'
Cà phê chiều thứ bảy
Tình thật phải là mưa mới đúng với nguyên bản của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh. Nhưng mạo muội sửa "mưa" thành "xe" cho nó hợp tình hợp cảnh.
Tình cảnh là mỗi lần đi qua ngôi nhà ấy, tôi lại nhìn thấy ông cụ, mình trần toàn xương và da vận quần đùi, ngồi trên chiếc xe lăn dưới gốc cây bàng ngóng những chuyến xe qua. Cụ nhìn thấy gì ở những dòng xe cộ? Phải chăng là những chuyến xe chở đầy thanh xuân, nhiệt huyết tuổi trẻ, tình yêu và thù hận của cụ? Chúng vèo đến vèo đi, biến mất tăm trên con đường dịu vợi.
Nước chảy về đông, những chuyến xe chảy về đâu?
Thời gian chảy về đâu?
Hồi còn nhỏ, tôi hay ngồi trước hiên nhà, ngắm đủ mọi thứ: mưa, nắng, kiến, cây cối và những chuyến xe qua. Có gì ở những chuyến xe qua? Tôi có biết đâu. Lúc đấy chỉ thấy lòng bình yên, đầu óc nghĩ ngợi vẩn vơ nhiều thứ. Có lẽ chính lúc ấy, tôi đã làm những cuộc viễn du vào sâu thẳm lòng mình, khám phá những kho tàng cảm xúc bí ẩn. Hiểu mình hơn, để rồi hiểu người hơn.
Một đứa trẻ lặng lẽ là một đứa trẻ sôi nổi về nội tâm, hay nói cách khác nó đã dành thời gian chạy nhảy ngoài cuộc sống để chạy nhảy trong thế giới nội tâm của nó. Nếu vũ trụ ngoài kia rộng lớn và phong phú chừng nào thì vũ trụ trong lòng người cũng rộng lớn và phong phú dường ấy. Chẳng phải mỗi chúng ta là một tiểu vũ trụ đó sao?
Cuộc viễn du ấy mới lặng lẽ làm sao, cô độc làm sao!
Khi Đức Phật chào đời, người nói "duy ngã độc tôn", điều đó không chừng là ngụ ý "chỉ riêng mình ta". Ta cô đơn với chính mình, với vũ trụ bên ngoài, ai có thể hiểu được ta, bầu bạn cùng ta? Vì một người như Đức Phật lẽ nào lại nói "duy ngã độc tôn" theo kiểu: ta là lớn nhất, vĩ đại nhất?
Tôi khoái cách người ta phạt đứa trẻ úp mặt vào tường, suy nghĩ về những lỗi lầm mà nó phạm phải. Khi chân tay bị trói buộc, chính là lúc tư tưởng được cởi mở, phóng rọi vào những khoảng trời bao la. Chẳng thế mà Bồ Đề Đạt Ma diện bích (quay mặt vào tường) 9 năm để rồi viết nên Dịch Cân Kinh và Tẩy Tuỷ Kinh làm nên nền tảng của võ thuật Thiếu Lâm - nơi được xem là cội nguồn của võ thuật phương Đông.
Cô đơn là bạn đồng hành của thiên tài. Bạn muốn là thiên tài? Lời khuyên cho bạn là cô đơn, cô đơn và cô đơn hơn nữa.
Chỉ sợ rằng bạn không chịu nổi, áp lực của cô đơn không khéo sẽ nuốt chửng bạn, biến bạn thành một kẻ điên.
Thiên tài và kẻ điên đôi khi chỉ cách nhau một sợi tóc!
Ông Lâm Ngữ Đường trong cuốn Sống đẹp viết về du lãm có dẫn lời bậc thầy phê bình Kim Thánh Thán rằng: người du lãm cần phải có "một biệt tài trong lòng và một cặp biệt nhãn dưới hàng lông mày". Ông Đường bàn thêm: "Tất cả vấn đề là ở đó: có một tấm lòng để cảm và một cặp mắt để ngó. Thiếu hai cái đó thì đi chơi núi chỉ là tốn tiền bạc, thì giờ, mà có hai cái đó thì chẳng cần leo núi, cứ ở nhà, hoặc ra đồng ngắm một đám mây, một con chó, một hàng rào, một cây đứng lẻ loi, cũng hưởng được nhiều cái thú". (*)
Một tấm lòng để cảm và một cặp mắt để ngó!
Khi nào thì bạn mới mở lòng mình để cảm?
Khi nào bạn mới mở mắt mình để nhìn?
Hỡi ôi! Ai cũng có một tấm lòng, một cặp mắt nhưng không phải ai cũng biết cảm, biết nhìn!
Lại nói về cái lý của "du lãm tại chỗ". Người ta nói rằng con sư tử dùng hết sức lực để vồ trâu thì cũng dùng toàn lực để bắt thỏ. Hóa công cũng thế. Nếu Ngài dụng toàn tâm để vẽ nên cảnh núi sông hùng vĩ, thì Ngài cũng chẳng hời hợt khi kiến tạo một cái cây cọng cỏ, một sợi lông hay vảy cá. Có thơ rằng:
Hoa mơ một chút nhuỵ
Ba nghìn thế giới thơm
(Nhất điểm mai hoa nhuỵ
Tam thiên thế giới hương)
Vẻ đẹp ấy, hương thơm ấy nào mấy ai đã biết cảm nhận đâu! Thế chẳng hoài phí lắm ư?
Này, có bao giờ bạn ngồi ngóng những chuyến xe qua?